Đồng hồ đo áp lực hay đồng hồ đo áp suất có lẽ là thiết bị rất gần gũi với mọi người, trong hệ thống máy bơm cấp nước cho chung cư, nhà máy, xí nghiệp, tòa nhà cao tầng, cho hệ thống bơm tăng áp, cho máy nén khí đều cần sử dụng đồng hồ đo áp lực để theo dõi và điều chỉnh mực nước cấp lên các vị trí trên cao cho đủ áp lực nhằm đảm bảo được lưu lượng nước cần thiết.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đồng hồ đo áp suất, vì vậy việc chọn được đồng hồ đo áp suất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu mục đích sử dụng cũng như nhằm giảm chi phí là mối quan tâm của các đơn vị thiết kế, thi công công trình.
Bài viết này, máy bơm nước Thuận Phú Group muốn chia sẻ kinh nghiệm đến các bạn đang làm kỹ sư công trình, hoặc anh chị em muốn tự mình lắp đặt đồng hồ đo áp lực cho cụm máy bơm nước, hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích được cho các bạn trong công việc.
Đồng hồ đo áp lực là gì ?
Đồng hồ đo áp lực hay còn được gọi là đồng hồ đo áp suất, là thiết bị được thiết kế giúp hiển thị áp lực hiện tại trong hệ thống ống dẫn, đồng hồ đo áp suất này có hình dáng tương tự như một chiếc đồng hồ chạy kim bình thường, tuy nhiên do có cấu tạo đặc biệt nên có thể cảm biến được áp lực đường ống.
Cấu tạo
Đối với đồng hồ đo áp lực, vật liệu cấu thành nên đồng hồ chính là yếu tố quyết định giá thành đắt hay rẻ của đồng hồ. Đối với việc sử dụng đồng hồ áp suất để đo áp lực nước, có hai loại vật liệu để bạn lựa chọn:
- Vỏ inox, chân bằng đồng: sau một quá trình sử dụng, phần chân bằng đồng sẽ bị oxy hóa, đóng teng màu xanh (đồng oxit) làm ảnh hưởng đến chất lượng của nước, nếu bạn lắp đặt cho hệ thống nước sinh hoạt thì không nên dùng loại này. Giá thành loại đồng hồ vỏ inox, chân đồng này rẻ hơn so với vỏ inox, chân inox.
- Vỏ inox, chân bằng inox: vỏ đồng hồ được làm bằng inox SS304, chân bằng inox SS304 hoặc SS316, do đó không bị oxy hóa trong quá trình sử dụng lâu dài, đảm bảo chất lượng nguồn nước, do đó nếu dùng cho hệ thống bơm cấp nước sạch thì nên dùng loại đồng hồ này. Tuy nhiên giá thành cao hơn so với đồng hồ vỏ inox, chân đồng.
Nếu trong hệ thống cụm máy bơm nước không đòi hỏi chất lượng cao, bơm nước chỉ để rửa hoặc vệ sinh thì có thể dùng loại vỏ inox, chân đồng để tiết kiệm chi phí.
Còn nếu đòi hỏi khắt khe về chất lượng nước thì bạn nên sử dụng đồng hồ có vỏ inox, chân inox nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Đường kính mặt hiển thị đồng hồ
Đối với mặt đồng hồ kích thước càng lớn thì giá thành càng cao do sử dụng nhiều nguyên vật liệu.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều kích thước đồng hồ áp lực khác nhau như: 40, 50, 63, 75, 80 (không thông dụng), 100, 150, 250 mm.
Tùy vào mục đích sử dụng cũng như vị trí lắp đặt mà ta chọn đồng hồ áp suất có đường kính phù hợp, chẳng hạn như nếu lắp đặt ngang tầm mắt và độ chính xác không cần cao thì có thể dùng mặt đồng hồ kích thước 63mm là được.
Còn nếu vị trí lắp đặt ở trên cao khó quan sát, và cần độ chính xác cao, số liệu cần theo dõi và ghi chép thường xuyên thì bạn cần dùng đến loại có đường kính lớn hơn như 100mm hoặc 150mm.
Thang đo của đồng hồ áp suất
Đây là thông số rất quan trọng, nếu chọn thang đo sai thì sẽ làm cho đồng hồ áp lực của bạn nhanh chóng hư hỏng.
Cách tính áp lực để chọn thang đo đồng hồ
Trong hệ thống cụm bơm cho chung cư, cao ốc thì bạn có thể dựa vào cách tính như sau:
10 mét nước ~ 1 kg/cm2 ~ 1 bar
Trường hợp bạn cần bơm nước lên tầng thứ 10 của tòa chung cư, cao ốc (độ cao của 10 tầng khoảng 40m), thì áp suất thấp nhất mà bơm cần đạt được là 4 kg/cm2 hay 4 bar.
Tương tự như vậy, nếu bơm lên tầng 30 của tòa nhà, với độ cao là 120 mét thì áp lực bơm cần đạt được 12 kg/cm2 hay 12 bar.
Dựa vào áp suất của bơm mà ta lựa chọn thang đo của đồng hồ cho phù hợp.
Kinh nghiệm của chúng tôi là khi lựa chọn thang đo của đồng hồ đo áp thì phải chọn làm sao để cho áp suất của bơm bằng 40% – 70% áp suất cực đại của đồng hồ.
Lấy ví dụ:
- Áp suất tối đa của bơm cần phải đạt 3 kg/cm2, bạn cần chọn đồng hồ có than đo từ 0-6 kg/cm2.
- Nếu áp suất của máy bơm là 6 kg/cm2 thì bạn cần chọn đồng hồ đo áp lực có thang đo là 10 kg/cm2.
- Nếu áp suất của bơm là 5 kg/cm2, bạn có thể chọn đồng hồ có thang đo từ 0-6 kg/cm2, đồng hồ vẫn hoạt động được, tuy nhiên trong quá trình sử dụng ống bourdon của đồng hồ luôn bị giãn ở mức cao, gần tới mức tối đa, việc này làm cho ống bourdon nhanh bị mất tính đàn hồi, sau một thời gian sử dụng dễ bị sai số cao, làm cho đồng hồ đo áp suất không chính xác nữa dần dần sẽ không thể sử dụng được.
Độ chính xác của đồng hồ áp suất
Độ chính xác của đồng hồ áp suất có nhiều mức độ: 0.25%, 0.5%, 1%, 1.6%, 2%. Giá thành của đồng hồ đo áp suất cũng bị ảnh hưởng bởi độ chính xác, độ chính xác càng cao thì giá thành càng cao.
Cấp chính xác mặc định:
- Đối với đồng hồ áp lực có đường kính mặt 63mm là: 1.6% hoặc 2%.
- Đối với đồng hồ áp lực có đường kính mặt 100mm và 150mm là: 1%.
Khi sử dụng đồng hồ để đo áp lực nước, thông thường độ chính xác không cần đòi hỏi quá cao, do đó bạn chỉ cần chọn độ chính xác mặc định để tiết kiệm chi phí.
Một số thông số phụ của đồng hồ áp suất
Kiểu kết nối của đồng hồ áp suất
Nếu chọn sai kiểu kết nối thì bạn sẽ phải mất công chỉnh sửa phần cơ khí để lắp đặt được đồng hồ. Một số kiểu kết nối thông dụng hiện nay như: kiểu chân đứng, chân sau, chân sau lắp bảng,…
Kích thước ren kết nối
Các kích thước thường hay được dùng như:
- 1/4 inch NPT: kiểu này thường dùng ở các đồng hồ kích thước 63mm.
- 3/8 inch NPT: sử dụng cho đồng hồ có kích thước 80mm, 100mm, 150mm. Và có điều đặc biệt là kích thước này hay thấy trong các nhà máy của Nhật.
- 1/2 inch NPT: kết nối mặc định sử dụng cho các đồng hồ có kích thước 100mm trở lên.