Nước thải sinh hoạt là gì
Nước thải sinh hoạt hay là nước thải từ các khu dân cư bao gồm nước sau khi sử dụng từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, trường học, cơ quan, các khu vui chơi giải trí. Theo QCVN 14: 2008/BTNMT thì nước thải sinh hoạt là nước thải ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân.
Nguồn gốc phát sinh và đặc tính của nước thải sinh hoạt
Năm 2013, PGS. TS. Nguyễn Thị Loan trong “Xử lý nước thải sinh hoạt” đã chia nước thải sinh hoạt thành 2 loại là:
√ Nước thải nhiễm bẩn do bài tiết của con người từ các phòng vệ sinh
Nước thải từ khu vệ sinh hay còn được gọi là nước đen, được thải từ nhà vệ sinh, chứa phần lớn các chất ô nhiễm, chủ yếu là chất hữu cơ như phân, nước tiểu, các vi sinh vật gây bệnh và cặn lơ lửng.
Các thành phần ô nhiễm chính đặc trưng thường là BOD5, COD, Nito và Phospho.
Trong nước thải sinh hoạt, hàm lượng N và P rất lớn, nếu không được loại bỏ thì sẽ làmcho nguồn tiếp nhận nước thải bị phú dưỡng – một hiện tượng xảy ra ở nguồn nước có hàm lượng B và P cao.
√ Nước thải nhiễm bẩn do các chất thải sinh hoạt
Là nước thải chứa cặn bã, dầu mỡ từ các nhà bếp của các nhà hàng, khách sạn, các chất tẩy rửa, chất hoạt động bề mặt từ các phòng tắm, nước rửa vệ sinh sàn nhà…
Nước thải khu nhà bếp có đặc trưng là nước chứa thành phần hàm lượng dầu mỡ rất cao, lượng cặn, rác lớn,… Lượng dầu mỡ này có thể ảnh hưởng đến các quá trình xử lý về sau nên nước thải khu nhà bếp cần phải được xử lý sơ bộ tách dầu mỡ trước khi đưa vào hệ thống xử lý.
Nước thải tắm giặt có tính chất hoàn toàn khác biệt với các loại nước thải trên, hàm lượng chất hữu cơ không đáng kể mà chủ yếu là các hoá chất dùng để tẩy rửa.
Theo QCVN 14: 2008/BTNMT nước thải sinh hoạt được phân loại dựa trên loại hình cơ sở, bao gồm có 7 loại là:
- Khách sạn, nhà nghỉ.
- Trụ sở cơ quan, văn phòng, trường học, cơ sở nghiên cứu.
- Cửa hàng bách hóa, siêu thị.
- Chợ.
- Nhà hàng ăn uống, cửa hàng thực phầm.
- Cơ sở sản xuất, doanh trại lực lượng vũ trang.
- Khu dân cư, khu chung cư.
Tính chất của nước thải sinh hoạt
Hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt phụ thuộc vào điều kiện sống, chất lượng bữa ăn, luợng nước sử dụng và hệ thông tiếp nhận nước thải. Để đánh giá chính xác, cần phải khảo sát đặc điểm nước thải từng vùng, từng khu dân cư, như đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, khu du lịch,….
Nước thải sinh hoạt chứa nhiều chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học, ngoài ra còn có các thành phần vô cơ, vi sinh vật, và vi trùng gây bệnh rất nguy hiểm. Ở những khu vực đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh thấp kém, nước thải sinh hoạt không được xử lý thích đáng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mức độ tác hại phụ thuộc vào loại chất ô nhiễm, nồng độ của chúng và hiệu quả xử lý các chất đặc biệt này. Thành phần nuớc thải sinh hoạt được biểu diễn như sau:
Các thông số dặc trưng của nước thải sinh hoạt
Theo Nguyễn Văn Phước năm 2010 trong “Xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp sinh học” thì:
Đánh giá chất lượng nước cũng như mức độ ô nhiễm nước cần dựa vào thông số cơ bản, so sánh với các giá trị cho phép về thành phần hóa học và sinh học đối với từng loại nước sử dụng cho các mục đích khác nhau. Các thông số cơ bản để đánh giá chất lượng nước là: độ pH, màu sắc, độ đục, hàm lượng chất rắn, các chất rắn lơ lửng, oxy hòa tan,… và đặc biệt là 2 chỉ số BOD, COD. Ngoài ra còn quan tâm các chỉ số sinh học, đặc biệt là E.coli.
Các chỉ tiêu dùng để đánh giá nhiễm bẩn vật lí
- Nhiệt độ: phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết và bản chất của nước thải.
- Mùi: dấu hiệu mùi rất quan trọng trong việc đánh giá và chấp nhận hệ thống nước thải của xí nghiệp. Nước có mùi là do các nguyên nhân: nước hữu cơ từ cống rãnh khu dân cư, xí nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến dầu mỡ… Mặc dù tương đối vô hại (khi hàm lượng nhỏ), nhưng mùi gây cảm giác khó chịu, buồn nôn.
- Độ đục: độ đục của nước do các hạt lơ lửng, các chất hữu cơ phân hủy hoặc do giới thủy sinh gây ra. Độ đục càng cao thì mức nhiễm bẩn càng lớn.
Các chỉ tiêu đánh giá định lượng trạng thái chất bẩn tan, không tan:
- Chất rắn lơ lửng dạng huyền phù (SS): hàm lượng các chất rắn huyền phù là trọng lượng khô của chất rắn còn lại trên giấy lọc sợi thủy tinh, khi lọc mẫu nước qua phễu lọc Gooch rồi sấy khô ở (1000C – 1500C) tới khi trọng lượng không đổi. Đơn vị tính bằng mg/l (hoặc g/l).
Các chỉ tiêu đánh giá định lượng độ nhiễm bẩn hữu cơ:
- DO: oxy hòa tan trong nước rất cần cho các sinh vật hiếu khí. Nồng độ oxy hòa tan trong nước tự nhiên và nước thải phụ thuộc ô nhiễm chất hữu cơ vào hoạt động của thế giới thủy sinh, các hoạt động sinh hóa, hóa học và vật lí của nước. Trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng, oxy được dùng nhiều cho các quá trình hóa sinh và xuất hiện hiện tượng thiếu oxy trầm trọng.
- BOD: là thông số cơ bản để đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Giá trị BOD càng lớn nghĩa là mức độ ô nhiễm hữu cơ càng cao.
- COD: chỉ số này dùng rộng rãi để biểu thị hàm lượng chất hữu cơ trong nước thải và nước tự nhiên.
Các chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm dinh dưỡng và mức độ phú dưỡng hóa thủy vực:
- Nitơ và các hợp chất chứa nitơ: Các hợp chất hữu cơ thô đang phân hủy thường tồn tại ở dạng lơ lửng trong nước, có thể hiện diện với nồng độ đáng kể trong các loại nước thải và nước tự nhiên giàu protein. Các hợp chất chứa Nito ở dạng hòa tan bao gồm cả Nito hữu cơ và Nito vô cơ (NH4+,NO3–,NO2–). Thuật ngữ “Nitơ tổng” là tổng Nito tồn tại ở tất cả các dạng trên. Nitơ là một chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết đôi với sự phát triển của sinh vật.
- Phospho và các hợp chất chứa phospho: Trong các loại nước thải, Phospho hiện diện chủ yếu dưới các dạng phosphate. Các hợp chất Phosphat được chia thành Phosphat vô cơ và phosphat hữu cơ. Phospho là một chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết đôi với sự phát triển của sinh vật. Việc xác định p tổng là một thông số đóng vai trò quan trọng để đảm bảo quá trình phát triển bình thường của các vi sinh vật trong các hệ thống xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học (tỉ lệ BOD:N:P = 100:5:1).
Chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm nước thải khác:
- Dầu mỡ: bám vào thành ống nước thải, làm giảm công suất đường ống. chúng thường nổi lên trên bề mặt nguồn nước, làm ảnh hưởng tới quá trình trao đổi oxy của nước.
- Chỉ số sinh vật: vsv cũng là một chỉ tiêu để đánh giá nước bị ô nhiễm. Có 3 nhóm vsv chỉ thị cho nước bị ô nhiễm: nhóm coliform đặc trưng là Escherichia coli (E.coli), nhóm streptococci đặc trưng là Streptococcus faecalis, nhóm clostridia khử sunfit đặc trưng là Clostridium perfringens.
1 bình luận “ Nước thải sinh hoạt là gì? Nguồn gốc, tính chất nước thải sinh hoạt ”